Hướng dẫn cách gõ chữ Telex cho người mới

Tác giả: Thanh Hùng

Tất cả các phần mềm gõ chữ tiếng việt hiện nay đều hỗ trợ kiểu gõ Telex, các bạn có thể dùng bất kỳ bộ gõ tiếng việt nào để thực hành. Chỉ cần ghi nhớ cách thức bỏ dấu, viết chữ thì các bạn không cần để ý đến tên bộ gõ hay thiết bị soạn văn bản nữa. Do đó, trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn cách gõ dấu Telex cho những người mới bắt đầu làm quen với kiểu gõ này.

Giới thiệu quy tắc bỏ dấu Telex

Cách gõ chữ kiểu Telex hình 1

Tiếng Việt khác với các ngôn ngữ khác chính bởi phần thanh điệu. Có 6 thanh điệu (hay còn gọi là dấu) trong tiếng Việt và khi soạn thảo văn bản thì các bạn sử dụng cực kỳ nhiều 6 thanh này. Trừ thanh ngang, hay còn gọi là không có dấu thì 5 thanh còn lại là sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Và trong cách đánh chữ Telex, chúng có quy tắc soạn thảo như sau:

  • Dấu sắc: s
  • Dấu huyền: f
  • Dấu hỏi: r
  • Dấu nặng: j
  • Dấu ngã: x
  • Xóa dấu: z

Quy tắc này bắt buộc các bạn phải học thuộc rồi thực hành nhiều lần thì mới thuần thục được. Ban đầu sẽ khá khó khăn cho những người mới tập gõ dấu bởi số lượng dấu khá nhiều, ít có sự liên kết giữa dấu và chữ cái gõ dấu. Tùy vào khả năng ghi nhớ của mỗi người thì thời gian thuộc cách gõ dấu telex sẽ khác nhau.

Để giúp những ai gặp khó khăn trong việc ghi nhớ cách bỏ dấu Telex, chúng tôi gợi ý các bạn một mẹo nhỏ. Khi cần gõ dấu sắc, các bạn sẽ nhớ đến chữ cái đầu tiên của chữ “sắc” → s. Khi gõ dấu nặng, các bạn sẽ nhớ đến cách viết dấu nặng là một cái “.” → j (trên chữ j có một cái “.”). Theo đó, các bạn hãy vận dụng trí tưởng tượng của mỗi người để tìm cách học thuộc các quy tắc dấu khác nhanh hơn.

Quy tắc viết chữ cái trong kiểu gõ Telex

Với những chữ cái đặc biệt, các bạn tiếp tục ghi nhớ cách đánh chữ telex như sau:

  • Chữ ă: aw
  • Chữ â: aa
  • Chữ đ: dd
  • Chữ ê: ee
  • Chữ ô: oo
  • Chữ ơ: ow
  • Chữ ư: uw

Cách gõ các chữ cái thì khá dễ nhớ hơn so với quy tắc dấu. Chúng tôi sẽ chỉ cho các bạn một mẹo ghi nhớ tốt hơn đó là chia các chữ cái trên thành hai nhóm.

  1. Nhóm 1 gồm các chữ có dấu mũ (â, ê, ô) và chữ đ: nhóm này gõ lặp lại chữ cái hai lần.
  2. Nhóm 2 gồm các chữ cái còn lại: nhóm này sử dụng chữ cái và phím w.

Cách gõ chữ kiểu Telex hình 2

Cách đánh chữ Telex có ưu điểm gì?

Hiện nay hai kiểu gõ chính được dùng trong soạn thảo văn bản đó là Telex và VNI. Tuy cách gõ telex buộc người dùng ban đầu phải ghi nhớ khá nhiều ký tự dấu và chữ cái nhưng khi đã thuộc rồi thì tốc độ soạn thảo sẽ nhanh hơn rất nhiều. Cách gõ chữ telex được nhiều người dùng hơn bởi quá trình soạn thảo hoàn toàn sử dụng các chữ cái.

Cách gõ chữ kiểu Telex hình 3

Cách bỏ dấu Telex còn thuận tiện ở chỗ các bạn có thể bỏ dấu ở bất kì đâu trong từ. Ví dụ bạn gõ chữ “ngoặc” bằng cách soạn “ngoawcj” hoặc “ngoawjc” đều được. Điều này có nghĩa là các bạn bỏ thanh điệu ở cuối tiếng hoặc sau khi gõ xong vần thì thanh điệu tự khắc được chỉnh về đúng vị trí của tiếng.

Ngoài ra, khi bạn gõ sai dấu thì chỉ cần gõ tiếp phím dấu để chỉnh sửa mà không cần phải xóa dấu. Ví dụ bạn muốn gõ tiếng “rựa” nhưng soạn thành “ruwaf” thì để chỉnh lại chỉ cần gõ tiếp phím j như sau “ruwafj“. Lúc này dấu huyền sẽ được đổi thành dấu nặng mà không cần phải thực hiện thao tác xóa dấu.


Cho dù bạn đang sử dụng máy tính hay điện thoại thì không thể tránh việc soạn thảo văn bản có dấu. Đây là một kỹ năng cần phải có hiện nay, nhất là với những bạn trẻ. Hy vọng qua bài viết này các bạn đã nắm được cách gõ dấu Telex. Chúc các bạn sớm thành thạo gõ tiếng việt có dấu.

Có thể bạn sẽ thích